Từ Đường – Cội rễ, gốc gác với nhiều người Việt Nam thật đơn giản mà ý nghĩa vô cùng to lớn. Cùng với gốc đa, giếng nước, sân đình, những hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam, cội rễ với đa phần người Việt còn là sự gắn kết và tiếp nối của bao thế hệ qua những bộ gia phả, nhà thờ họ. Gia phả và nhà thờ họ là điểm tựa tinh thần của hiện tại từ quá khứ.

Nhà có phả cũng như nước có sử, phả nhà để ghi chép thế thứ các đời theo hệ thống huyết mạch, trên dưới, mà thuật lại phân minh về bản chi, khiến cho muôn đời con cháu nhìn vào thì thấy rõ ràng như ở trước mắt

Phong tục thờ cúng của người Việt:

Đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” luôn có trong lòng của mỗi con người Việt Nam. Dù ở nơi đâu trên trái đất này, dù bạn giàu hay nghèo, dù bạn là ông quan cao cả hay một thường dân nghèo khó cũng có một bàn thờ, ấy là thể hiện một lòng thành kính với tổ tiên.

Nhà thờ:

Các con cháu dòng dõi trong một họ thiết kế, xây dựng chung một nhà thờ Thủy Tổ gọi là mộ tộc Từ Đường (Trần tộc, Nguyễn tộc, Lê tộc, Vũ tộc, Đồng Tộc, Đặng tộc, Phạm tộc, Lưu tộc …). Khi xây dựng xong nhà thờ ấy chỉ thờ riêng một Thủy Tổ, khi tế tự thì lấy các tổ tông biệt chi, biệt phái mà phối hưởng. Có họ không thiết kế xây dựng nhà thờ thì xây một cái bàn lộ thiên kiên cố, dựng bia đá ghi tên thụy hiệu các tổ tiên để khi tế tự thì ra tại đó mà tế. Có họ thì làm nhà thờ để cho chi trưởng nam đời đời hương hỏa, chi trưởng nam tuyệt thì mới chuyển sang cho chi thứ.

Những họ về chi khác nhau, cũng thiết kế xây dựng nhà thờ tổ tông trong bản chi, gọi là Bản chi Từ Đường.

Những gia đình dòng họ phú quý có gia từ, phụng thờ cao, tằng, tổ, khảo tại bàn chính giữa ( hay gian giữa), các bàn bên cạnh ( hay các gian bên ) thì thờ Thổ công, Táo quân, Nghệ sư, Bà cô, Ông Mãnh …

Nhà Từ Đường đã có từ xa xưa, có lẽ từ khi chúng ta có nghĩa gia tộc và có tục thờ cúng tổ tiên. Phần nhiều các nhà Từ Đường xưa đều được xây dựng bằng gạch, theo lối kiến trúc đình miếu: chạm trổ ở nóc (thường là hình mặt nhật hay hình mặt nguyệt), góc mái hình lưỡi đao; phía trước có sân gạch, hàng rào, cổng ngõ; phía sau có công trình phụ và vườn tược. Nội thất của nhà Từ Đường rộng rãi với nhiều đồ chạm trổ kỳ khu và sơn son thếp vàng rực rỡ. Không gian đó được đóng lại bằng hàng cửa bàn khoa, hay hàng cửa ván gỗ sơn nâu hoặc đỏ. Nhà Từ Đường khác với nhà ở là phía trước nhà có hàng cột vôi vữa đắp liễn đối, quanh sân có trồng nhiều bụi hoa trang, hoa điệp đủ mầu sắc và cái nhà ngõ thường đóng kín để tạo vẻ thâm nghiêm cho ngôi nhà thờ.

Từ Đường là nơi chốn tâm linh của một tộc họ. Ở đó, dòng họ thờ các vị cao tằng thủy tổ và các tiên linh khác của họ tộc. Mỗi vị có thần chủ hoặc bài vị đặt trên bàn thờ. Ðọc thần chủ, bài vị, mới biết vị nào cũng có công trạng; hoặc với nước, hoặc với địa phương, ít nhất cũng với tộc họ. Những vị được thờ, nếu làm quan cho triều đình thì có treo bằng sắc; riêng quan võ còn thờ cả đồ binh khí mà sinh thời các vị vẫn dùng

Nhà Từ Đường nào cũng có một số ngày tế tự thường niên, như: Ngày giỗ ông thủy tổ và ngày hiệp tế (giỗ chung cho hết thảy các vong linh của những người quá cố trong tộc họ).

Ðến ngày cúng tế, nhà Từ Đường có hình thức lễ hội: trong sân có cắm nhiều cờ đuôi nheo, cờ lồng, treo băng, biểu ngữ (mang tên ngày tế tự) và cảnh con cháu nhộn nhịp tụ hội về. Rất nhiều người, nhất là các cụ bà, các cô gái, thường đội trên đầu lễ vật dâng cúng là những hương hoa trà quả… Khi tế tự có kèn trống, văn tế kể công nghiệp tổ tiên, các trình tự lễ lạy… Tất cả đặt dưới quyền điều hành của Chủ tế là tộc trưởng hoặc người cao niên nhất trong họ và vài người trung niên làm bồi tế. Kết thúc tế tự là lễ hóa vàng mã và bắt đầu tiệc ẩm thực. Người ngồi mâm cỗ nhà Từ đường luôn tuân theo tôn ti trật tự: Ông bà, bác, chú ngồi trên, con cháu ngồi dưới. Con cháu mà có học, có bằng cấp cũng được phép ngồi trên để làm gương hiếu học cho cả họ. Những ngày trong Tết Nguyên đán và các ngày sóc vọng hằng tháng, nhà Từ Đường chu đáo hương khói và cúng kính. Người giữ việc hương khói cho Từ Đường thường là một người trong tộc họ, có điều kiện hơn các người khác ở chỗ có nhà ở gần Từ Đường.

Gia phả:

Nhà thờ nào cũng có cuốn sổ ghi chép theo thứ tự trước sau và họ tên chức tước ngày tháng sinh tử của tổ tông và người trong nhà gọi là gia phả. Nhà giàu có, có công trạng… thì gia phả ghi chép cả công nghiệp sự trạng cả tổ tông, mả táng tại đâu …

Gia phả để tại nhà thờ, cũng có nhà in phát ra cho mỗi chi một bản để cho con cháu được biết sự tích của tổ tông.

Nội dung Gia phả gồm các phần sau đây : Nội dung , ý nghĩa của gia phả : thường được ghi trong bài tự ( tựa ) , do một người trong họ hoặc một người ngoài họ có tên tuổi viết .Mục đích ý nghĩa chủ yếu của gia phả là giáo dục cho con cháu hiểu rõ nguồn gốc của dòng họ mình , công lao của các đời trước để tu dưỡng , tiến bộ về mọi mặt , ngõ hầu làm rạng rỡ cho dòng họ mình . Một một đích khác thiết thực hơn , nhưng có khi không nói đến trong lời tựa là gia phả cho con cháu biết ngày mất của ông bà để nhớ cũng giỗ và vị trí của phần mộ ông bà để chăm sóc

Những người đi đâu xa hoặc công tác về đều thắp hương để thông báo cho tổ tiên biết, đó cũng là nét hiếu thuận trong nếp sống của người Việt

Nhà thờ họ thờ Ai? :

Nhà thờ phải có ” Một thần chủ ” không bao giờ thay đổi . Nhà phú quý thờ Cao , tằng , tổ , khảo .Thần chủ bằng gỗ táo tượng trưng nghìn năm . Dài độ 1 thước ở giữa ghi tên họ , chức tước và hai bên ghi ngày tháng năm sinh tử. Có hộp vuông che kín và để trong long khám , khi nào cũng tế mới mở ra .

Thờ cho gọn: Một bộ ỷ để thờ
Nhà thờ họ Đồng ở thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội. Đây là  một trong 3 nhà thờ của họ Đồng Việt Nam được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh thành phố.

          
 Đồ thờ nhà thờ họ :

Nhà thờ họ thông thường cần có 1 bộ đèn nến , lư hương , bình hoa, mâm quỳ , mâm bồng , có đài rượu , hộp trầu , đài nước .

Hoành biển khắc 3 bốn chữ đại tự , đôi liễn bên bàn thờ hoặc khảm trai hoặc sơn thiếp.

Nhà thờ Họ là nơi ghi tụng công đức tổ tông. Như một lời nguyền , người Việt nam dù nghèo khổ đến chết đói cũng không bao giờ bán đồ thờ .

Gia phả của Họ : Ghi họ tên chức tước , ngày sinh tử mai táng ở đâu ? và người trong nhà . Gia phả để ở nhà thờ và các chi giữ bản sao .

Về kiến trúc của Nhà thờ họ, có thể phân thành hai loại: Nhà thờ họ được xây dựng từ xưa và Nhà thờ họ mới xây dựng trong vài chục năm gần đây. Nhà thờ họ được xây dựng từ xưa, gần như đã được tôn tạo lại, mở rộng cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Còn Nhà thờ họ mới xây dựng thì thường được làm một tầng, ba gian, lợp ngói. Phổ biến là làm nhỏ và có trang trí nhiều hoa văn Rồng, Phượng. Ngôi nhà được đặt trong một khuôn viên có hàng rào bao quanh. Khuôn viên là một miếng đất nhỏ có vườn trồng hoa hoặc những cây Đại, cây Ngâu. Đó là những nhà thờ họ phổ biến ở nông thôn.

Trong nội thất, ở giữa là bàn thờ chính. Ở đây thờ vị Tổ dòng họ, thường là có bài vị đặt trên một ngai thờ. Hai bên và phía dưới là đèn, nến, hương hoa. Ở đây có thể có những kỷ vật cổ xưa, những sắc phong của vua chúa. Ngoài ra có thể có những bàn thờ ở gian bên thờ những vị danh nhân của dòng họ.

Trước hết, Nhà thờ họ mang tính chất Nhà thờ tổ tiên, sau là Nhà bảo tàng, Nhà tưởng niệm của dòng họ. Do đó, ngoài bàn thờ còn phải có không gian trưng bày tranh ảnh, hiện vật lưu niệm của những thành viên nổi tiếng, có công lớn trong dòng họ.

Về mặt khuôn viên nên khiêm tốn, giản dị, nghĩa là miếng đất không cần lớn nhưng đủ xây dựng một ngôi nhà nhỏ, chung quanh có vườn cây. Nếu có điều kiện thì đào một hồ nhỏ trước Nhà thờ Họ, nếu không đủ rộng thì làm một bể non bộ có nước để cải tạo vi khí hậu.

Để thuận tiện cho việc tiến hành lễ nghi và họp đông con cháu, Nhà thờ họ bao giờ cũng cần một sân gạch trước nhà. Sân này có thể dựng nhà bạt che mưa nắng khi có lễ. Trong khuôn viên của Nhà thờ Họ nên có một Nhà phụ trợ nằm ở sau Nhà thờ họ. Nhà này là nơi có bếp, kho, bể nước (giếng nước, nếu chưa có nước máy) và khu vệ sinh.

Chức năng chính của nhà thờ họ:

– Gốc nhà thờ họ là để thờ thuỷ tổ họ mình hoặc thờ vọng về thuỷ tổ họ mình .nhưng nó có thể còn có các chức năng sau đây : Đây là chức năng gốc , bất di bất dịch không khác gì ngày xưa .

– Bảo tàng dòng họ: có ghi danh các Liệt sĩ chống Pháp , Chống Mỹ , Chống Polpot và chống Tàu .Hoặc lưu giữ Chứng chỉ của Đảng và Nhà nước những người làm to hoặc thành Danh của dòng họ mình .
– Nhà văn hoá : Nơi tổ chức nói truyện về truyền thống dòng Họ mình , những gương sáng , những nết tốt cần nêu gương cho toàn họ học tập , Nơi nêu gương học tập tốt và thành tích xuất sắc cần khuyến học .
– Hội trưòng: Nơi gặp gỡ để bàn việc Họ . Nếu tụ tập ở một nhà nào cũng rất chật chội . Có việc gì cần bàn kéo ra nhà thờ họ bàn việc riêng của họ là hợp lý . Có thể chi họp trưởng chi , hoặc chỉ họp hội đồng gia tộc hoặc họp toàn Họ này.

Ý nghĩa cao cả của Nhà thờ họ và Gia phả trong dòng tộc và trong cộng đồng:

Cội rễ, gốc gác với nhiều người Việt Nam thật đơn giản mà ý nghĩa vô cùng to lớn. Cùng với gốc đa, giếng nước, sân đình, những hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam, cội rễ với đa phần người Việt còn là sự gắn kết và tiếp nối của bao thế hệ qua những bộ gia phả, nhà thờ họ. Gia phả và nhà thờ họ là điểm tựa tinh thần của hiện tại từ quá khứ. Nhà có phả cũng như nước có sử, phả nhà để ghi chép thế thứ các đời theo hệ thống huyết mạch, trên dưới, mà thuật lại phân minh về bản chi, khiến cho muôn đời con cháu nhìn vào thì thấy rõ ràng như ở trước mắt.

Thật cảm động khi nhìn thấy từ gia phả những lời nhắn nhủ, răn dạy đạo đức của các bậc tổ tiên đối với con cháu cho đến hôm nay vẫn còn nóng hổi ý nghĩa: “Con cháu nhà ta, ai nấy đều phải biết tôn trọng lời dạy của ông bà, phải lấy việc cày cấy, đọc sách, học hành làm nghiệp… phải lấy điều hiếu thuận làm đầu, thì sẽ hạnh phúc”. Ngoài việc ghi chép đầy đủ lịch sử của gia tộc và thế thứ các nhánh, các chi của mỗi dòng họ, gia phả còn mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Trong nền văn hóa Phương Đông, lịch sử gia phả đã có trên 3000 năm, châu Âu đã có gần 500 năm. Gia phả được coi như một bức tranh lịch sử thu nhỏ của một dòng họ, thậm chí lớn hơn là của một làng, một vùng đất cùng với những sự kiện lịch sử, những biến đổi xã hội liên tục, sự tham gia và những ảnh hưởng của dòng họ đến tiến trình của lịch sử xã hội của những vùng, miền khác nhau.

Là lịch sử văn hóa của dòng họ, gia phả còn được coi như một di sản văn hóa quý giá. Không chỉ là cơ sở để dòng họ, các chi họ lần tìm về gốc rễ, chắp nối cội nguồn, gia phả còn luôn giữ vai trò quan trọng xuyên suốt trong việc củng cố gia tộc, gia đình và giáo dục đạo đức cho con cháu. Bởi vì, gia phả không chỉ giúp cho con cháu biết gốc gác của mình từ đâu, họ hàng là ai, tổ tiên công đức ra sao, gia phả còn được gọi là gia bảo vì đó là lịch sử của tổ tiên nhiều đời truyền lại, chứa đựng những điều tổ tiên muốn gửi gắm lại cho đời sau. Từ gia phả, từ gia tộc, từ tiểu chi đến đại tông, cả dòng họ. Đó chính là sự đa hướng, đa lớp để bảo vệ nề nếp gia phong, truyền thống dòng họ, thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc hôm nay và mai sau.

– Gia phả có giá trị về lịch sử
– Gia phả có giá trị về đạo đức
– Gia phả có giá trị khuyến khích học hành.

Gia phả được các nhà sử học coi là nguồn bổ sung cực kỳ quan trọng cho chính sử bởi những thông tin từ những nhân vật, sự kiện của dòng họ đều được ghi lại một cách trung thực, cụ thể và rõ ràng trong gia phả. Việc thờ cúng tổ tiên là nền tảng của gia đình Việt Nam, gia đình từ ông cố, bà cố, xuống cháu chắt đều sống chung trong một mối dây liên hệ hết sức chặt chẽ về huyết thống, máu mủ. Làm người ai cũng có cha mẹ, ông bà, tổ tiên như cây có cội nguồn, có gốc, có rễ. Hướng về nguồn cội là những cảm xúc, những tâm tư cùng một thế giới tâm linh trong sáng, thiêng liêng với những cảm hứng vang vọng, xuất phát từ đáy lòng qua sự khôi phục, bổ sung và duy trì sự liên tục của gia phả dòng họ, nhà thờ họ là trào lưu văn hóa đang phát triển ở nước ta hiện nay. Có những bộ gia phả của một số dòng họ được viết các đây vài trăm năm nay vẫn được lưu giữ cẩn thận, để lưu giữ truyền qua nhiều thế hệ thì thật không phải là dễ. Gia phả cùng với nhà thờ họ luôn sống mãi trong từng con người Việt Nam:

– Nhà thờ họ trường tồn tượng trưng cho một dòng họ bền vững, lâu đời – Nhà thờ họ nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn.

Nhà thờ họ cũng là nơi lưu giữ gia phả, văn tự cổ cùng những sắc phong, tượng thờ, bài vị cùng những điển tích về dòng họ. Nhà thờ họ cũng là nơi lưu giữ những di vật của tổ tiên. Đây có thể được coi như một bảo tàng thu nhỏ của dòng họ bởi nó chứa đựng rất nhiều thông tin về dòng họ. Nội thất bên trong nhà thờ được sắp đặt trang nghiêm, có thứ tự rõ ràng và sự sắp sếp có chủ ý thể hiện những thông tin về gia đình, dòng họ được kết cấu một cách chu đáo, đầy đủ để con cháu trong họ cũng như người ngoại tộc có thể hiểu khá tường tận về lịch sử của dòng họ cùng những con người, những danh nhân của dòng họ.

Nhà thờ họ được coi như điểm hội tụ, thờ cúng tổ tiên, ông bà, những người anh hùng, những danh nhân, những người có công với đất nước, làm lưu danh dòng họ trong sử xanh của đất nước, của dân tộc. Nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới tâm linh của những người con trong dòng họ bởi đó là nơi giúp họ nhớ lại những đỉnh cao vinh quang của dòng họ, những tấm gương sáng của tổ tiên và đồng thời những ước vọng của mỗi còn người trong dòng họ được nguyện cầu tại đây. Truyền thống cả dân tộc cũng như mỗi dòng họ, mỗi gia đình cần phải gìn giữ là: “Uống nước nhớ nguồn, nhân hậu thuỷ chung, thương người như thể thương thân, đoàn kết tương thân tương ái làng xóm khi tối lửa tắt đèn, hiếu học, sẵn sàng hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, lao động cần cù, sáng tạo …”.
                  Giỗ Tổ họ Đồng ở Làng Châu, Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang.
 

1. Nhận thức: Điều quan trọng nhất là cần nhận thức đúng đắn y nghĩa của việc xây dựng nhà thờ không phải chỉ để ngắm nhìn, khoe khoang với thiên hạ, hay để tổ chức tiệc tùng linh đình mà tạo nên công trình mang dấu ấn tốt đẹp về nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản chất dân tộc, nhắc nhở con cháu giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống đạo lý, gia phong tốt đẹp của tổ tiên ông bà truyền lại:

+ Đó là long yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm, làm cho dân giàu nước mạnh.

+ Đó là tình đoàn kết sắc son, ý chí cộng đồng trong xã hội, biết gạt bỏ những cái nhỏ nhen tầm thường trong quá khứ và trong cuộc sống hằng ngày để giữ lấy cái nghĩa tình cao đẹp trong gia đình họ tộc, trong cộng đồng xã iội.

+ Đó là lòng nhân Ái bao dung, thương người như thể thương thân, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khi ốm đau hoạn nạn.

+ Đó là tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động và học tập, sống và làm giàu bằng bàn tay và khối óc của mình, khuyến khích làm giàu chính đáng, động viên tạo điều kiện cho con cháu được học hành, có nhiều con cháu học giỏi.

Trong nền kinh tế thị trường, mặt tích cực là thúc đẩy kinh tế phát triển, mặt khác cũng phát sinh những biểu hiện tiêu cực trong xã hội, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, ma lực của đồng tiền đã len lỏi vào các ngõ ngách của giá trị đạo đức truyền thống. Chúng ta nhất quyết không để cho những cạm bẫy của đồng tiền làm cho tình cảm thiêng liêng đối với ông bà, cha mẹ, anh em ruột và thân thích bị mai một và đem tai họa cho gia đình.

2. Lễ nghi: Theo quy ước và tục lệ ông bà để lại, nhà thờ tộc đảm trách việc thờ tự đức Thủy Tổ đến các vị nhiều đời kế tiếp đã về nơi an nghỉ cuối cùng trong những ngày giờ nhất định giỗ chạp hằng năm, còn các chi phái và các gia đình đều có bàn thờ riêng để cúng giỗ theo ngày riêng của từng vị, từng chi phái. Con cháu cần sắp xếp thời gian để ngày Tết về nhà thờ cúng viếng ông bà.

3. Việc lập tôn đồ, phổ hệ: Theo phổ hệ đã có đủ đời 13, từ đời thứ 14 trở về sau, các chi phái cần lập danh sách theo thứ tự hết đời này đến đời tiếp theo, mỗi đời viết theo thứ tự: tên vị đời đó, đến tên chánh thất, kế thất đến tên các con (viết hết con chánh thất đến con kế thất) mỗi vị có các nội dung: ngày sinh, ngày mất, nơi an tang, người còn sống thì ghi them nơi cư trú, làm gì. Dâu, rể thì ghi họ tên, quê quán, ngày sinh, ngày mất.

4. Chăm lo đời sống: Để có cơ sở làm việc nghĩa và khuyến khích việc học hành của các cháu học giỏi nhưng khó khăn, cần xây dựng một quỹ gọi là quỹ công ích của tộc mong được hưởng ứng của tất cả bà con

5. Nghĩa vụ, trách nhiệm: Cần quan tâm việc phân công trách nhiệm quản lý chăm sóc từ đường, bảo quản tốt tài sản đã có, trồng cây và hoa làm cho nhà từ đường ngày càng đẹp đẽ và ấm cúng. Việc tu bổ, sửa chữa hay xây dựng mở mang nhà thờ họ là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người con trong dòng họ. Khi việc cần là phải quyết tâm, đoàn kết cùng nhau làm, không được thoái thác, bàn lùi – nếu không là có lỗi với tổ tiên. Việc thành bại cốt ở cái tâm. Cứ phát huy truyền thống thương yêu “lá lành đùm lá rách” là sẽ làm được hết. Có thế mới làm được trọn vẹn chữ HIẾU với tổ tông.

Thay cho lời kết:


Chừng hai thập kỷ gần đây, việc xây dựng Nhà thờ họ rộ lên khắp mọi miền đất nước, nhất là ở nông thôn. Truyền thống xây dựng Nhà thờ họ có từ lâu đời nhưng trải qua ba chục năm chiến tranh, công việc này dường như không được tiến hành trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước.

Cũng như những lễ hội truyền thống có từ lâu đời cũng chỉ nở rộ trong hòa bình và kinh tế phát triển. Chúng ta có truyền thống sinh hoạt cộng đồng rõ nét và mạnh mẽ, luôn thể hiện qua việc họp trường cũ, họp đồng môn, họp lớp, họp mặt cơ quan cũ, họp đồng hương, họp đơn vị… Những cuộc họp mặt giao lưu ấy củng cố khối cộng đồng bằng tình cảm, bằng những kỷ niệm trong quá khứ. Mối ràng buộc những con người với nhau là ký ức, là mảnh đất khi xưa cùng chung sống, hoạt động.

Họp mặt theo dòng họ thì lại có một yếu tố quan trọng khác là mối liên hệ huyết thống. Những cuộc họp mặt trên kia có thể có địa điểm là trường cũ, cơ quan cũ và thường là một địa điểm mượn nào đó, còn họp mặt theo dòng họ thì có một địa điểm thiêng liêng là Nhà thờ họ. Nếu ở xa không về được thì đành họp nhau tại một địa điểm nào đó, còn có điều kiện thì về Nhà thờ họ. Chính vì vậy, việc xây dựng Nhà thờ họ có ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng. Các dòng họ rất mong muốn xây dựng một ngôi nhà thờ cho họ của mình, niềm khát khao đó âm ỉ từ lâu, nay có điều kiện sống trong hòa bình, gặp gỡ nhau bàn bạc, đóng góp trong điều kiện kinh tế khá hơn trước. Do đó, nở rộ một phong trào xây dựng Nhà thờ họ – song song với việc này, và còn có trước việc này là viết lại lịch sử dòng họ, vẽ lại cái cây Phả họ để lưu lại cho con cháu. Việc này ngày xưa ông cha ta hay làm và để vào trong những ống quyển bằng gỗ, đặt trên bàn thờ.

Xây dựng Nhà thờ họ là một việc làm có nhiều ưu điểm. Trước hết, đây là một hành động hướng về cội nguồn. Chúng ta biết rằng hạt nhân của xã hội là gia đình. Một dòng họ có nhiều gia đình, nhiều dòng họ hợp thành xã hội. Một xã hội tốt đẹp phải bắt nguồn từ những gia đình tốt đẹp, từ những dòng họ tốt đẹp. Giáo dục trong dòng họ là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong xã hội./.

Theo Giang Anh/GPVN