PGS. TS Đồng Văn Triệu (ảnh - SN 1956) tại xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), hiện là Trưởng Khoa Lý luận Thể dục thể thao (TDTT) - Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Ông là chủ nhiệm nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành, tác giả nhiều bộ giáo trình đang được giảng dạy tại trường.
Thể thao không có mảnh đất cằn Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, nói về thành tích của bản thân cũng như đặc thù công việc của những người làm công tác thể thao, PGS. TS Đồng Văn Triệu nhỏ nhẹ: Cũng chẳng có gì đáng kể. Anh cũng có một thời gian làm thể thao nên hiểu người làm công tác này rất thẳng thắn, không thích phô trương vì thành tích trong luyện tập, thi đấu đã nói hộ mình. Tôi được phân công giảng dạy môn lý luận. Tuy bộ môn không tạo ra thành tích một cách cụ thể nhưng lại có tác động bổ trợ cho thành tích, giúp việc định hướng, hình thành nhân cách của mỗi vận động viên (VĐV). Anh có thể chia sẻ ít nhiều thông tin cá nhân, rồi lý do nước ta có nhiều trường, trung tâm đào tạo VĐV thể thao nhưng thành tích về cơ bản lại chưa để lại dấu ấn rõ nét trên đấu trường châu lục, quốc tế? Tôi là con út trong gia đình có 9 anh chị em ở xã nghèo Hợp Thịnh. Dù nhà nghèo nhưng bố mẹ tôi vẫn dành dụm chắt chiu nuôi các con ăn học. Học xong tôi được lãnh đạo nhà trường giữ lại tiếp tục học tập, nghiên cứu, giảng dạy cho đến nay.
Thú thực, những vấn đề anh quan tâm lại đụng đến tự ái nghề nghiệp của chúng tôi. Điều đó khiến tôi cùng những người làm công tác đào tạo VĐV thể thao phải suy nghĩ để hướng đến mục tiêu chung là đưa thể thao Việt Nam dần có một hình ảnh mới, niềm tin, niềm tự hào cho dân tộc. Tôi được biết đề tài nghiên cứu sinh tiến sĩ của anh đề cập đến vấn đề lớn đó là huấn luyện thể thao. Vậy tuyển chọn, huấn luyện thể thao có gì khác so với những môn học khác? Thành tích của VĐV là thước đo trình độ thể thao của một quốc gia. Anh nói đúng. Thành tích hay vị thế của thể thao là điều bất kỳ người dân nào cũng mong muốn, chờ đợi. Trí tuệ, ý chí, tố chất của người Việt Nam ta không thua kém nhiều nước trong khu vực nhưng thành tích thì còn khiêm tốn, nói chung chưa xứng với tầm một quốc gia 90 triệu dân có truyền thống văn hiến và thượng võ. Một điều hiển nhiên là, muốn có thành tích phải làm tốt khâu tuyển chọn, đào tạo. Đào tạo VĐV là một lĩnh vực rèn luyện các tài năng, những người đại diện cho tỉnh, đơn vị và cho đất nước. Vấn đề tuyển chọn lực lượng VĐV được hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm nhưng hiệu quả đào tạo lại phụ thuộc rất nhiều vào nền khoa học kỹ thuật thể thao của mỗi nước. Tuyển chọn VĐV là quá trình tìm kiếm và sàng lọc để chọn ra những VĐV có khả năng đạt thành tích cao. Do vậy, nếu tuyển chọn không tốt sẽ dẫn đến đào tạo kém hiệu quả gây tốn kém và làm mất đi cơ hội phát triển nhân tài.
Theo anh, làm thế nào để thể thao nước nhà “có tiếng nói” trên đấu trường khu vực và quốc tế? Tổ chức huấn luyện là khâu then chốt của quá trình đào tạo để VĐV hình thành chiến thuật, thể lực, tâm lý thi đấu. Đây cũng là yếu tố quyết định thành tích của mỗi VĐV. Nếu huấn luyện kỹ thuật động tác sai sẽ hình thành kỹ xảo sai lệch cho VĐV, hiệu quả thi đấu không đạt tối ưu. Huấn luyện chiến thuật sai còn khiến VĐV thiếu chủ động sáng tạo, thiếu tự tin và tính quyết đoán trong tập luyện, thi đấu, hệ quả là hạn chế thành tích của VĐV. Tuy vậy, tập luyện quá sức, chưa tới ngưỡng hoặc vượt ngưỡng sẽ không khai thác hết tiềm năng của VĐV, thậm chí còn phản tác dụng. Đây là những vấn đề hoàn toàn mang tính khoa học mà cả người huấn luyện, người tập phải nắm được. Mặt khác, quản lý không đúng phương pháp sẽ tạo cho VĐV có điều kiện sống buông thả, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, sa đà vào tệ nạn xã hội làm mất đi những phẩm chất cao quý của VĐV thể thao. Phải chăng “đất” của ta chưa tốt để ươm mầm, nuôi dưỡng những tài năng thể thao? Mấy chục năm nghiên cứu, giảng dạy tại trường tôi đã viết nhiều bài báo, sách giáo khoa hay công trình nghiên cứu khoa học chỉ với một mong muốn duy nhất là góp phần tìm ra phương pháp, quy trình tốt nhất, phù hợp làm cơ sở đào tạo tài năng thể thao cho đất nước. Từ nhiều căn cứ và kết quả nghiên cứu khoa học, tôi có thể khẳng định: Việt Nam không phải mảnh đất cằn của thể thao. Vấn đề là ở chỗ chúng ta chưa làm cho mảnh đất đó màu mỡ lên để ươm những hạt giống tốt. Đây chính là điều những người làm khoa học thể thao chúng tôi trăn trở, coi đó như một cái yếu nhất của mình cần sớm được khắc phục. Tài năng thôi chưa đủ Anh có thể giải thích vì đâu mà tình trạng tiêu cực, phi thể thao xảy ra rất phổ biến như hiện nay, nhất là vấn đề bạo lực sân cỏ, cá độ, mua bán tỷ số, thậm chí nhiều người vướng vào vòng lao lý…? Nghề thể thao có đặc thù riêng, nhất là đào tạo các VĐV đội tuyển thành tích cao bởi các em thường “học ít, tập nhiều”. Do yếu tố đặc thù nên các đội tuyển thường phải sống tập trung xa gia đình, thiếu sự quản lý của cha mẹ. Hơn nữa, nước ta đang trong quá trình hội nhập trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thể thao để quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước đến bạn bè quốc tế. Vì lẽ đó, các đội tuyển tham gia thi đấu nhiều ở cả trong nước và quốc tế, tiền thưởng, giải cũng lớn khiến cho các VĐV có thu nhập tốt hơn. Trong cơ chế thị trường, một số tác động xấu đã len lỏi vào lĩnh vực này. Nạn cá độ, đổi chác, mua bán huy chương, danh dự không phải hiếm. Chính những điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhân cách, đạo đức của VĐV, nếu các em thiếu bản lĩnh dễ bị cám dỗ. Hẳn là những người làm công tác giảng dạy, trong đó có anh đã đề xuất phương án giải quyết? Có chứ. Để khắc phục, chúng tôi luôn chú trọng đề cao việc học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đào tạo ở trường; tăng cường giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ học vấn, tri thức văn hóa chung và tri thức chuyên môn cho các VĐV; nâng cao nhận thức cho các VĐV về truyền thống tốt đẹp, hình ảnh thể thao Việt Nam với tinh thần “Đoàn kết, kỷ luật, trung thực và cao thượng” trong thi đấu. Xây dựng phong cách thi đấu tốt, thắng không kiêu, bại không nản; tôn trọng trọng tài, đối phương. Cùng đó giáo dục truyền thống của thể thao Việt Nam, của quê hương... để hun đúc lòng tự hào, phát triển hứng thú, kích thích sự say mê tập luyện của VĐV. Chúng tôi đã đề xuất trong công tác đào tạo VĐV có nội dung giáo dục công dân, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đồng thời, quản lý tốt giáo viên, HLV các môn. Thực tế, những người thầy có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách, đạo đức của VĐV. Do vậy, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, tình huống đòi hỏi đội ngũ cán bộ, HLV phải thật sự là tấm gương sáng về mọi mặt để các thế hệ VĐV noi theo. Với thể thao, tài năng chưa đủ mà cần có nhân cách, đạo đức tốt. … Câu chuyện của chúng tôi như chưa có hồi kết. Nỗi niềm đau đáu của anh tôi hiểu. Và cũng từ nỗi niềm đau đáu đó, anh và đồng nghiệp đang ngày ngày truyền lửa đam mê, giáo dục tài năng và nhân cách cho lớp lớp thế hệ sinh viên, VĐV. Qua đó đào tạo nên lớp người có tài năng, phẩm chất tốt mang lại niềm tin, hình ảnh đẹp, vị thế mới cho thể thao nước nhà. Theo Việt Hưng (BGĐT) |